Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp mới

Lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc bày tỏ quan tâm các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài của Việt Nam

 

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc, chiều 9/4, tại thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp lãnh đạo các tập đoàn, Công ty lớn của Trung Quốc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ông Vương Bân, Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng điện lực Trung Quốc. (Nguồn: TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ông Vương Bân, Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng điện lực Trung Quốc. (Nguồn: TTXVN)

Tại cuộc tiếp Tập đoàn Xây dựng điện lực Trung Quốc (Power China), ông Vương Bân, Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết từ năm 2018, PowerChina tập trung phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam. Đến nay, Tập đoàn tham gia xây dựng nhiều dự án năng lượng với tổng giá trị hợp đồng đạt hơn 9 tỷ USD và sử dụng 1.000 lao động và cam kết sẽ tiếp tục hoạt động lâu dài tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cho biết các lĩnh vực mà tập đoàn mong muốn đầu tư tại Việt Nam cũng chính là các lĩnh vực trọng điểm thu hút đầu tư trong và ngoài nước của Việt Nam. Để thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 và mới đây, Thủ tướng đã ban hành Kế hoạch thực hiện.

Đầu năm 2022, Quốc hội đã thông qua một luật và sửa đổi 9 luật, trong đó có Luật Điện lực, và tới đây sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi luật toàn diện hơn để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quy mô, tiềm lực, trình độ công nghệ của PowerChina tại Việt Nam và hoan nghênh kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh, sản xuất của Tập đoàn tại Việt Nam thời gian tới.

Tiếp lãnh đạo Tập đoàn ô tô điện BYD, Chủ tịch Quốc hội nghe ông Lưu Hoán Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị thông tin về những kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh với 4 lĩnh vực chủ yếu là ô tô, điện tử, năng lượng mới và vận tải đường sắt.

Tập đoàn BYD đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp máy tính bảng, với tổng vốn đầu tư gần 270 triệu USD tại tỉnh Phú Thọ vào năm 2021, với tổng diện tích 26 hécta, hiện có hơn 9.000 nhân viên.

Tại cuộc gặp, lãnh đạo tập đoàn đã trao đổi, đề xuất về các chính sách ưu đãi về sản xuất và tiêu thụ xe năng lượng mới tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng Tập đoàn BYD về những thành công, năng lực lớn trong hoạt động đầu tư kinh doanh trên toàn cầu thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh kế hoạch đầu tư mới của Tập đoàn tại Việt Nam với cam kết về đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động địa phương.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.

Tại cuộc tiếp, Tổng giám đốc Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc (CREG) Liu Leiyun, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao năng lực và kinh nghiệm của Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc. Chủ tịch Quốc hội cho rằng ngành công nghiệp khoáng sản then chốt, trong đó có đất hiếm là ngành công nghiệp chiến lược, là nền tảng để phát triển nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp nghiên cứu và triển khai hợp tác trong lĩnh vực này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với luật pháp của Việt Nam.

Giới thiệu về thế mạnh của Tập đoàn, ông Liu Leiyun cho biết Tập đoàn mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với Tập đoàn Công nghiệp Than Việt Nam và các đơn vị khác để triển khai hợp tác trong các lĩnh vực khoáng sản quan trọng.

CHU VĂN/Theo dõi Baoquocte.vn